photo banner moi xay dung_zpsbkjc80ak.jpg

Quá Trình Hình Thành Và Mở Rộng Lãnh Thổ Việt Nam


Khi nghiên cứu về lịch sử, ranh giới lãnh thổ của quốc gia qua từng giai đoạn là phần không thể thiếu mà chúng ta cần phải biết. Trong bài này Việt Nam Ký Sự sẽ chia sẻ với các bạn về ranh giới lãnh thổ của Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau từ thời Vua Hùng dựng nước đến nay.

Giai đoạn 1: Nhà nước Văn Lang của các vị Vua Hùng, tồn tại từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN.
 
Nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt, được các vị vua Hùng Vương lên ngôi năm 2879 TCN, đặt hiệu nước là Văn Lang và chia nước làm 15 bộ để quản lý.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: lãnh thổ Văn Lang, Đông giáp Nam Hải (Biển Đông), Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình (nước Âu Việt), Nam giáp nước Hồ Tôn, tức Chiêm Thành (Quảng Nam ngày nay).

Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái 15 bộ là: Giao Chỉ (nay là Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên), Chu Diên (nay là Sơn Tây), Phú Lộc (nay là Bắc Ninh), Việt Thường (nay là từ Hải Lăng-Quảng Trị đến Điện Bàn-Quảng Nam),  Ninh Hải (nay là Quảng Yên), Dương Tuyền (nay là Hải Dương), Lục Hải (nay là Lạng Sơn), Vũ Ninh (nay là Cao Bằng, Thái Nguyên), Hoài Hoan (nay là Nghệ An), Cửu Chân (nay là Thanh Hóa), Tân Hưng (nay là Tuyên Quang), còn 2 bộ Bình Văn và Cửu Đức đều khuyết ghi.

Giai Đoạn 2: Nhà nước Âu Lạc, do An Dương Vương lập nên. Âu Lạc là nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam, tồn tại gần 30 năm từ năm 208 TNc đến năm 179 TCN.

Lãnh thổ nhà nước Âu Lạc mở rộng hơn so với thời Văn Lang vì vua An Dương Vương là thủ lĩnh của bộ tộc Âu Việt, hàng xóm của Văn Lang. Sau khi đánh bại Vua Hùng, An Dương Vương sát nhập lãnh thổ của Văn Lang và Âu Việt, lập ra nước Âu Lạc.

Giai Đoạn 3: Từ năm 179 TCN đến 111 TCN. An Dương Vương bị Triệu Đà, là một viên quan nhà Tần ở Quảng Đông- Trung Quốc đánh bại và sát nhập.

Giai Đoạn 4: Từ năm 111 TCN đến 39 SCN. Đây là giai đoạn chúng ta bị nhà Hán xâm lược và đô hộ.
Đất Nam Việt cũ được chia thành 6 quận: Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, và Cửu Chân. Quận Nhật Nam được sát nhập thêm sau khi nhà Tây Hán chiếm thêm được vùng đất phía nam quận Cửu Chân.

Giai Đoạn 5: Từ năm 40 đến năm 43 SCN. Thời kỳ Hai Bà Trưng, hai Bà dành độc lập cho Giao Chỉ xen giữa thời kỳ Bắc thuộc 1 và thời kỳ Bắc thuộc 2. Hai Bà lập ra quốc gia và lấy kinh đô ở Mê Linh, lấy hiệu là Trưng Vương.

Sau khi khởi nghĩa thành công, Hai Bà Trưng lấy được 3 quận từ nhà Hán, là quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Hợp Phố. Tuy nhiên giai đoạn này duy trì được không lâu, quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đã đánh bại Hai Bà, và Hai Bà đã gieo mình xuống sông Hát Giang để tuẫn tiết. Lãnh thổ của chúng ta lại tiếp tục bị nhà Hán đô hộ.

Giai đoạn 6: Nhà nước Vạn Xuân, từ năm 544 đến năm 602, do nhà Tiền Lý làm chủ.

Sau khi đánh bài quân Lương, Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) lên ngôi vua, lãnh thổ gồm 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Hợp Phố. 20 năm sau, Lý Phật Tử từ phía Nam kéo quân ra cướp ngôi. Năm 603, quân Tùy kéo quân sang đánh chiếm Vạn Xuân và đô hộ thêm lần nữa.

Giai đoạn 7: Từ năm 905 đến 930, nhà họ Khúc giữ quyền tự chủ lãnh thổ nước ta.

Khúc Thừa Dụ là một hào trưởng người Việt dưới thời nhà Đường, ông đã nhân cơ hội chiếm lấy thành Đại La, tự xưng là Tiết Độ Xứ và lãnh thổ nước ta gọi là Tĩnh Hải Quân. Sau Khúc Thừa Dụ, con trai ông là Khúc Hạo cũng đã cai trị vững vàng, bảo toàn sự tự chủ của đất nước. Tuy nhiên đến đời cháu là Khúc Thừa Mỹ đã bị quân Nam Hán đánh bại.

Giai Đoạn 8: Năm 930, Dương Đình Nghệ là một bộ tướng của Khúc Hạo, vẫn giữ được một phần lãnh thổ như hình dưới.

Giai đoạn 9: Năm 931, Dương Đình Nghệ dẫn quân đánh đuổi tường Nam Hán là Lý Tiến, dành lại thành Đại La và xưng làm Tiết Độ Sứ. Lấy lại được vùng lãnh thổ trước kia của nhà họ Khúc.

Giai Đoạn 10: Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại cướp quyền và xưng là Tiết Độ Sứ. họ Kiếu chiếm lấy một phần rộng lớn. Phần phía Nam còn lại do con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đang cai quản.

Giai Đoạn 11: Năm 938, Ngô Quyền dẫn quân từ Ái Châu ra trả thù cho Dương Đình Nghệ, đánh Kiều Công Tiễn và chiếm thành Đại La. Kiều Công Tiễn sang nhờ quân Nam Hán nhưng cũng bị Ngô Quyền đánh cho đại bại trên sông Bạch Đằng.
Giai Đoạn 12: Năm 944, Ngô Quyền mất. Các tướng lĩnh nhà Ngô và hào trưởng địa phương đua nhau nổi dậy tạo nên thời kỳ loạn 12 sứ quân.
Giai Đoạn 13: Từ năm 966 - 967, thủ lĩnh ở Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh, kết hợp với sứ quân Trần Lãm đánh dẹp các sứ quân còn lại.
Giai Đoạn 14: Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân, lên làm vua xưng hiệu Đinh Tiên Hoàng. Lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Chấm dứt 102 năm của Tĩnh Hải Quân.
Giai Đoạn 15: Nhà Tiền Lê, từ năm 980 đến 1009. Sau khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, con là Đinh Liễn bị sát hạt, triều đình nhà Đinh tranh giành quyền lực. Quân Tống nhân cơ hội mang quân sang cướp nước, quần thần và thái hậu Dương Vân Nga đã quyết định đưa Lê Hoàn lên làm vua, lấy hiệu Lê Đại Hành.
 Giai Đoạn 16: Nhà Lý, năm 1010.
Nhà Lý bắt đầu khi Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm 1009 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê.

Giai Đoạn 17: Nhà Lý năm 1014. Lãnh thổ được được mở rộng thêm một phần về phía Tây Bắc.

Giai Đoạn 18: Nhà Lý năm 1048, mất một phần lãnh thổ phía Bắc vào tay nhà Đại Lịch-Trung Quốc.
Giai Đoạn 19: Nhà Lý năm 1069.
Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành và lấy được 3 châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, nay thuộc địa phận Quảng Bình và Quảng Trị. Lãnh thổ Đại Việt được mở rộng đáng kể về phía Nam. Đồng thời cũng lấy lại được phần đất phía Bắc bị mất vào tay nhà Đại Lịch trước đó.

Giai Đoạn 20: Nhà Lý năm 1159 mở rộng thêm một phần lãnh thổ về phía Tây Bắc.

Lãnh thổ này được giữ nguyên cho đến khi nhà Lý suy vong vào năm 1225 sau khi Lý Chiêu Hoàng, lúc đó mới 7 tuổi bị ép thoái vị nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhà Lý kết thúc với 216 năm trị vì và mở mang bờ cõi.

Giai Đoạn 21: Nhà Trần năm 1225.

Chúng ta có thể thấy ở bản đồ trên có 2 vùng khác màu nằm giữa vùng lãnh thổ màu vàng của nhà Trần, đó là 2 vùng của 2 thế lực hình thành từ năm 1211 khi nhà Lý đang trên đà suy vong.
Một là của họ Đoàn, Đoàn Thượng ở Hải Dương và Hải Phòng. Hai là của họ Nguyễn, Nguyễn Nộn (Quốc Oai, Hà Tây). Sau khi nhà Trần thành lập, Nguyễn Nộn đánh bại giết chết Đoàn Thượng năm 1228. Nhưng không lâu sau Nguyễn Nộn ốm chết. Nhà Trần chấm dứt được cục diện chia cắt.

Giai đoạn 22: Nhà Trần năm 1306.

Nhà Trần mở rộng bờ cõi xuống phía Nam chiếm được một phần của Chăm Pa. Nhà Trần duy trì được sự hưng thịnh cho đến năm 1394 khi Nghệ Hoàng băng hà, Hồ Quý Ly lên nắm quyền hành. Rồi đến năm 1400 Quý Ly phế truất Trần Thiếu Đế lên làm vua. Bắt đầu triều đại nhà Hồ. Nhà Trần chấm dứt sau 175 năm với 13 đời vua.

Giai Đoạn 23: Nhà Hồ năm 1400.

Hồ Quý Ly lên ngôi và đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Ranh giới lãnh thổ vẫn được giữ nguyên từ đời nhà Trần để lại.

Giai Đoạn 24: Nhà Hồ năm 1402.

Chiêm Thành đang nộp 4 châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay.

Giai Đoạn 25: Năm 1407, nhà Minh xâm lược và đô hộ.

Triều đại nhà Hồ chấm dứt khi Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt vào năm 1407. Nước ta lại rơi vào cảnh Bắc thuộc.

Giai Đoạn 26: Khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418.

Vùng đất nhỏ ở vùng núi Thanh Hóa của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi quân Minh xâm lược.

Giai Đoạn 27:
Khởi nghĩa Lam Sơn năm 1425.

Quân khởi nghĩa đã dành được những chiến thắng lớn chiếm lại những vùng đất phía Nam như Nghệ An, Thuận Hóa.

Giai Đoạn 28: Nước Đại Việt năm 1428. Nhà Lê Sơ.

Năm 1426, trên đà thắng lợi, nghĩa quân đánh thành Đông Quan (Hà Nội) và đánh tan quân Minh trong trận Tốt Động - Chúc Động. Năm 1427, nghĩa quân đạp tan 10 vạn quân viện binh trong trận Chi Lăng - Xương Giang. Lấy lại toàn bộ vùng lãnh thổ bị quân Minh chiếm đóng và lập lên triều đại nhà Lê.

Giai Đoạn 29:
Đại Việt năm 1471. Nhà Lê Sơ.

Vua Lê Thánh Tông chiếm được lãnh thổ phía Bắc của Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân đến bắc Phú Yên). Thánh Tông đã tiến hành sát nhập và Việt hóa dân chúng Chiêm Thành.

Giai Đoạn 30: Đại Việt năm 1479. Nhà Lê Sơ

Nhà Lê chiếm thêm được một phần lãnh thổ của Lào, mở rộng lãnh thổ về phía Tây.

Giai Đoạn 31: Năm 1539, Nhà Lê Sơ bắt đầu suy vong.
Lãnh thổ nhà Lê Sơ lúc gần thời kỳ suy vong chỉ còn lại một phần nhỏ thuộc địa bàn Thanh Hóa, phần diện tích còn lại bị nhà Mạc, do Mạc Đăng Dung cai quản. Vào năm 1527, Mạc Đăng Dung bắt Cung Hoàng nhường ngôi, lập ra nhà Mạc. Thần dân trong kinh đều theo Mạc Đăng Dung và đón Đăng Dung vào kinh.

Giai Đoạn 32: Năm 1540, thời kỳ Nam - Bắc triều.

Lấy danh nghĩa là gây dựng lại nhà Lê, Trịnh Tùng đã đánh bại Mạc Mậu Hợp, dành lại một phần lớn lãnh thổ về cho nhà Lê. Nhà Mạc chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình trở ra. Từ Thanh Hóa trở vào là của nhà Lê - Trịnh.

Ngoài ra khu vực Tuyên Quang do Chúa Bầu (dòng họ Vũ ) trấn trị suốt thời kỳ Nam - Bắc phân tranh, tồn tại gần 200 năm.

Giai Đoạn 33: Năm 1554, Lê - Trịnh chiếm nốt phần lãnh thổ còn lại của nhà Mạc ở phía Nam.

Giai Đoạn 34: Năm 1569, lãnh thổ bị chia cắt bởi nhiều triều đại giao tranh.
Khu vực Tuyên Quang vẫn do Chúa Bầu cai trị. Nhà Mạc trấn từ Ninh Bình trở ra. Vua Lê, chúa Trịnh trấn vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Từ Thuận Hóa trở vào là sự cai quản của chúa Nguyễn.

Giai Đoạn 35: Năm 1611, chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Nhà Lê - Trịnh đánh chiếm nhà Mạc

Giai Đoạn 36: Năm 1653, nhà Mạc bị đẩy lùi sâu lên phía Bắc, chỉ còn lại một phần lãnh thổ ở Cao Bằng. Chúa Nguyễn chiếm thêm được phần lãnh thổ của Chăm Pa.
Giai Đoạn 37: Năm 1658, chúa Nguyễn mở rộng thế lực, chiếm được mảnh đất Nghệ An của nhà Lê. Đánh cho Chăm Pa phải dâng tặng vùng đất Gia Định (Sài Gòn) ngày nay.
Giai Đoạn 38: Năm 1679, Lê - Trịnh xóa xổ nhà Mạc ở Cao Bằng và lấy lại được vùng đất Nghệ An từ tay chúa Nguyễn. Trong khi đó ở phía Nam, chúa Nguyễn mở rộng được lãnh thổ vùng quanh Gia Định, lấy được từ Chăm Pa.
Giai Đoạn 39: Chúa Nguyễn chiếm trọn Chăm Pa, mở rộng diện tích lãnh thổ nước ta về phía Nam.
Giai Đoạn 40: Năm 1708, nhà Lê - Trịnh chiếm được căn cứ của Chúa Bầu, lấy lại vùng đất Tuyên Quang. Chúa Nguyễn tiếp tục mở rộng diện tích về phía Nam, lấy được một phần lãnh thổ Campuchia, là mảnh đất Kiên Giang ngày nay. Tuy nhiên, không giữ được vùng đất Thuận Thành.
Giai đoạn 41: Năm 1732, chúa Nguyễn lấy thêm được một phần diện tích nhỏ của Campuchia ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Giai Đoạn 42: Các năm 1739, 1755, 1759, chúa Nguyễn đã lấy một phần lớn diện tích của Campuchia mà ngày nay là lãnh thổ Việt Nam khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ.


Giai Đoạn 43: Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lãnh đạo dần phát triển. Xuất phát từ ấp Tây Sơn, Bình Định.
Giai Đoạn 44: Năm 1773, thế lực nhà anh em Tây Sơn lớn mạnh, chiếm được nhiều vùng đất của nhà Nguyễn.
Giai Đoạn 45: Năm 1774, Chúa Trịnh phá bỏ hiệp ước gần 100 năm không chiến tranh với nhà Nguyễn. Nhà Trịnh đã đem quân đánh chiếm được phần lớn diện tích phía bắc của chúa Nguyễn.
Lúc này chúa Nguyễn chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ ở Quảng Nam và khu vực phía Nam, nơi vùng đất Gia Định.

Giai Đoạn 46: Năm 1776, quân Tây Sơn đánh bại chúa Nguyễn và chiếm được toàn bộ vùng đất còn sót lại của nhà Nguyễn.

Giai Đoạn 47: Năm 1788, Quang Trung dẫn đội quân Tây Sơn ra Bắc, xóa sổ triều đại của vua Lê - chúa Trịnh. Cùng lúc đó Nguyễn Ánh, vị hoàng tôn còn sót lại của chúa Nguyễn gây dựng lại quân đội và lấy lại vùng đất Gia Định.
Giai Đoạn 48: Năm 1802, sau khi Quang Trung mất, nhà Tây Sơn suy yếu. Nguyễn Ánh đã dẫn quân chinh phạt trả thù cho nhà Nguyễn và thống nhất đất nước sau nhiều năm nội chiến, chia cắt. Lập nên triều đại nhà Nguyễn, lấy hiệu là Gia Long, triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta.
Giai Đoạn 49: Năm 1832, nhà Nguyễn trong thời kỳ hưng thịnh với quân đội rất mạnh, đã mở rộng bờ cõi được coi là lớn nhất trong lịch sử nước ta.
Lãnh thổ được mở rộng rất lớn về phía Tây, nay là nước Lào.

Giai Đoạn 50: Năm 1835, chiếm được gần hết lãnh thổ của Campuchia ngày nay.

Giai Đoạn 51: Năm 1841, bị Campuchia lấy lại phần lãnh thổ phía Tây Nam Bộ.
Giai Đoạn 52: Năm 1859, thực dân Pháp vào chiếm đóng phía Nam, đổi tên Gia Định thành Sài Gòn.
Từ đây, đất nước chúng ta bước vào thời kỳ thuộc địa của thực dân Pháp. Vì thời thế, vì những cách biết về khoa học kỹ thuật, quân sự, nhà Nguyễn đã không thể chống lại quân Pháp.

Giai Đoạn 53: Những măm 1862, 1867 đến 1670, thực dân Pháp chiếm đóng hầu hết đồng bằng sông Cửu Long và một vùng rộng lớn của Campuchia.


Giai Đoạn 54: Năm 1883, quân đội Pháp đem quân ra đánh chiếm phía Bắc và chiếm được Hà Nội cùng 1 số tỉnh lân cận.
Giai Đoạn 55: Năm 1884, Pháp đã chiếm được một phần lớn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương, trong đó đã chiếm trọn được Việt Nam. Nhà Nguyễn hoàn toàn chịu sự cai trị của Pháp.
Giai Đoạn 56: Năm 1887, Pháp để mất một phần lãnh thổ Việt Nam sát nhập vào lãnh thổ Trung Quốc lúc đó do quân đội Anh cai trị.
Giai Đoạn 57: Năm 1893, Pháp chính thức cai quản liên bang Đông Dương và chia lãnh thổ Việt Nam làm 3 kỳ, Bắc Kỳ (từ Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và Nam Kỳ (từ Đồng Nai trở vào).
Giai Đoạn 58: Năm 1895, Pháp lấy thêm được một phần lãnh thổ của quân đội Anh trên đất Trung Quốc, do đó lãnh thổ Việt Nam được mở rộng về phía Tây Bắc.
Giai Đoạn 59: Năm 1904, Pháp phân chia lại ranh giới ở Đông Dương, cắt một phần lãnh thổ của Lào và Campuchia sang Việt Nam, ngày nay thuộc địa phận tỉnh Đăklăk.
Giai Đoạn 60: Năm 1905, ranh giới Việt Nam lấy thêm các tình Pleiku, Kontum từ lãnh thổ của Lào.
Giai Đoạn 61: Năm 1906, lãnh thổ nước ta ổn định. Pháp mở rộng ranh giới thuộc đia của mình ở Đông Dương sang phía Tây, vì thế lãnh thổ CamPuchia mở rộng về phía đó.
Giai Đoạn 62: Năm 1945, sau khi quân đội Pháp bị Nhật đảo chính, và chính người Nhật cũng gặp thất bại trong thế chiến thứ 2 thì vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại đã phải thoái vị và nhường lại quyền kiểm soát đất nước cho Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ngày 02-09-1945, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Giai Đoạn 63: Năm 1954, một lần nữa đất nước lại bị chia cắt 2 miền Nam -Bắc. Miền Bắc do VNDCCH lãnh đạo, miền Nam do VNCH làm chủ.
Giai Đoạn 64: Tháng 4 năm 1975, sau khi không còn các đồng minh như Mỹ, Úc viện trợ về quân sự. Miền Nam Việt Nam đã thất thủ trước lực lượng đông đảo với sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô cho miền Bắc Việt Nam. Việt Nam đã thống nhất về một dải hình chữ S như ngày nay. Chấm dứt nhiều năm chiến tranh chống ngoại xâm cũng như nội chiến
Vậy là chúng ta đã đi hết hành trình tìm hiểu về sự thay đổi, hình thành lãnh thổ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, những lần bị đô hộ, chiếm đóng, hay những lần các vị vua mở mang bờ cõi mà giờ đây đất nước chúng ta có hình  dạng như ngày nay. 

Việt Nam Ký Sự: sưu tầm và biên soạn.

Share on Google Plus

About Unknown

0 comments:

Post a Comment